Tạo động lực “kích cầu” nền kinh tế
Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch thường trực Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) Nguyễn Đức Hưởng cho rằng : Cần thiết phải triển khai ngay các giải pháp nhằm tạo động lực “kích cầu” cho nền kinh tế.
PV: Nhiều chuyên gia dự báo kinh tế năm nay tiếp tục khó khăn. Vậy theo ông, chúng ta cần có những giải pháp gì để khơi dòng tín dụng ngay từ dịp đầu năm?
TS Nguyễn Đức Hưởng: Một trong những nút thắt tăng trưởng tín dụng hiện nay là hàng tồn kho, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng và vật liệu xây dựng. Ở Việt Nam, nhu cầu bê tông hóa hạ tầng là rất lớn, nhất là tại các địa bàn nông thôn, vùng sâu vùng xa, mà lao động làm việc ở các ngành liên quan cũng rất dồi dào. Do đó, cần đẩy mạnh cho vay ưu đãi để triển khai các dự án bê tông hóa hạ tầng giao thông, từ đó giải phóng nhanh lượng tồn kho xi măng, sắt thép, giải quyết thêm việc làm cho người lao động… Cùng với đó, là giải pháp “kích cầu” thông qua “mở lối” kinh doanh casino để thu hút đầu tư từ nước ngoài. Theo tôi được biết, hiện đang có khá nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang “ngắm” tới dịch vụ này ở Việt Nam. Ngoài ra, qua những lần đi thực tế ở các tỉnh biên giới, tôi nhận thấy nhu cầu thanh toán biên mậu tại khu vực này, đặc biệt là các tỉnh phía bắc khá lớn. Do đó, việc xây dựng các sản phẩm phục vụ đối tượng này cũng là giải pháp “kích cầu”.
PV: Các ngân hàng đẩy mạnh cho vay ưu đãi, nhưng có doanh nghiệp phản ánh họ không vay được vì không đáp ứng đủ điều kiện. Theo ông, các ngân hàng có nên nới lỏng tiêu chuẩn cho vay?
TS Nguyễn Đức Hưởng: Hiện nay ngân hàng chúng tôi vẫn đang ưu tiên cho vay lãi suất thấp để thu hút khách hàng tốt. Bởi chúng tôi quan niệm, khách hàng tốt thường rất kiêu căng và họ yêu cầu lãi suất phải thấp thì họ mới vay. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng, nếu không có cơ chế gì đột biến thì tăng tưởng tín dụng năm nay cũng sẽ chật vật như năm vừa rồi. Hiện nay, các ngân hàng đang thừa tiền nhưng vẫn phải tăng huy động để tránh bẫy thanh khoản. Huy động vẫn phải tăng nhưng cho vay ra ít, đây là một nghịch lý đang diễn ra trong thực tế. Cán bộ tín dụng và các ngân hàng đều rất sợ cho vay ra mà không thu hồi được vốn. Tâm lý sợ rủi ro này ảnh hưởng đến việc giải ngân do đó các ngân hàng hầu hết không dám nới lỏng mà thậm chí còn thắt chặt thêm điều kiện cho vay. Năm 2013, LienVietPostBank bên cạnh ưu tiên dành nguồn vốn lãi suất thấp cho khách hàng tốt sẽ tiếp tục đẩy mạnh cho vay nông ngiệp nông thôn và nông dân. Xác định đây là đối tượng khách hàng ổn định, không sợ nợ xấu nên ngân hàng sẽ xem xét nới lỏng điều kiện cho vay đối tượng này.
PV: Vậy “cơ chế đột biến” mà ông vừa nhắc tới là cơ chế gì, thưa ông?
TS Nguyễn Đức Hưởng: Như tôi đã nói ở trên, trước mắt cần thiết chúng ta phải triển khai ngay các giải pháp “kích cầu”. Tiếp đến, giải pháp cần tính tới là việc nới lỏng định lượng (QE) mà ở đây là cần sớm thành lập Công ty mua bán nợ. QE là công cụ tiền tệ được các ngân hàng trung ương sử dụng để kích thích nền kinh tế. Theo lý thuyết, gói QE này sẽ giúp mua vào các tài sản dài hạn như trái phiếu Chính phủ, tín phiếu kho bạc hoặc các chứng khoán có bảo đảm bằng tài sản thế chấp từ các ngân hàng thương mại và các định chế tài chính khác. Lượng tiền này được bơm vào nền kinh tế và sẽ khiến lãi suất trung, dài hạn giảm xuống trong tương lai. Khi lãi suất giảm, nhà đầu tư có nhiều lựa chọn hơn trong việc tiêu tiền. Với Việt Nam, nên thực hiện QE thông qua Công ty mua bán nợ của Nhà nước. Nguồn vốn để Công ty hoạt động theo tôi một phần nhỏ có thể từ Ngân sách Nhà nước cấp, phần nữa là nguồn tiền nhàn rỗi từ các ngân hàng thương mại gửi tại NHNN và cuối cùng vốn chủ yếu sẽ là từ các ngân hàng thương mại đóng góp. Công ty này mua tài sản tồn đọng (xử lý nợ tương lai) để từ đó giúp doanh nghiệp có đủ điều kiện vay mới và ngân hàng cũng bảo đảm an toàn đồng vốn. Thời kỳ hậu khủng khoảng, thành lập Công ty mua bán nợ không phải là giải pháp mới. Nhật Bản và Thụy Điển đã cứu nền kinh tế từ mô hình này.
Xin trân trọng cảm ơn ông!