Đẩy mạnh xử lý rác thải phát sinh trong mùa dịch
Theo thống kê, trong giai đoạn dịch bệnh năm 2020, có đến 75% người dân sống ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội sử dụng dịch vụ mua đồ ăn trực tuyến. Việc đặt món và giao đồ ăn tận nơi đã làm cho số lượng rác thải nhựa tăng đáng kể. Theo GS, TS Đặng Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, đồ nhựa dùng một lần tiện lợi và rẻ, nhưng lại tạo nên gánh nặng cho môi trường, bởi phần lớn các loại rác này không được tái chế, không thể tiêu hủy... Ngoài ra, dịch Covid-19 đang kéo theo sự gia tăng nhanh chóng của rác thải y tế, những sản phẩm làm từ nhựa phục vụ phòng, chống dịch, xét nghiệm và chữa bệnh.
Tại các khu cách ly tập trung, bệnh viện, cơ sở y tế…, khẩu trang, găng tay, tấm che giọt bắn và áo bảo hộ được coi là vật bất ly thân của các bác sĩ, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Song, một thực tế không thể phủ nhận là khối lượng gia tăng của các loại rác thải này cũng là gánh nặng trong công tác xử lý. Nhiều người dân lo lắng, nếu như việc thu gom rác thải sinh hoạt tại khu vực bị phong tỏa do có người nhiễm hoặc nghi nhiễm mà không được xử lý đúng quy định, sẽ rất dễ dẫn đến nguy cơ phát tán mầm bệnh rộng ra trong cộng đồng.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Chi nhánh Đống Đa, Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội cho biết, trong mùa dịch, lượng rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa từ đồ ăn sẵn và rác thải y tế tăng đột biến. Ước tính, tổng khối lượng chất thải sinh hoạt hiện nay được tiếp nhận, xử lý hằng ngày trên địa bàn TP Hà Nội khoảng 6.500 tấn/ngày đêm, tập trung tại hai khu xử lý chất thải Nam Sơn, Xuân Sơn. UBND quận Đống Đa đã chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện các biện pháp cấp bách trong quản lý chất thải phát sinh do dịch Covid-19, nhất là rác thải y tế tại các khu vực cách ly, các điểm chốt phòng dịch..., thực hiện nghiêm các quy định của Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải y tế. Quy trình vận hành nghiêm ngặt bảo đảm an toàn từ các công đoạn như: Phân loại rác thải sinh hoạt và rác thải y tế, bố trí thùng đựng rác tại các hành lang, cửa ngõ. Các thùng đựng rác thải y tế có mầu vàng, thùng đựng rác thải sinh hoạt có mầu xanh... Tất cả đều phun khử khuẩn bằng Chloramin B trước khi được vận chuyển khỏi khu cách ly.
Theo ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ sở y tế và khu vực cách ly tập trung phải bố trí các điểm thu gom, lưu giữ khẩu trang y tế theo đúng quy định. Cần hướng dẫn người dân đến các cơ sở y tế thăm, khám trước khi ra về phải thải bỏ vào các thiết bị lưu chứa chất thải y tế để bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường và ngăn ngừa nguy cơ phát tán mầm bệnh.