WTO và sao nữa?
Điều đó có lẽ là do chúng ta xem chuyện vào WTO như một cái gì đặc biệt mà không thử nghĩ ngược lại: 149 thành viên vào WTO trước Việt Nam hoạt động thương mại quốc tế bình thường, còn chúng ta chưa phải là thành viên nên mới là ngoại lệ.
Nay Việt Nam đã vào WTO, tức là chuyển từ một trường hợp đặc biệt thành chuyện bình thường, và công việc làm ăn của doanh nghiệp và một phần nào đó hoạt động của xã hội trước đây không theo lề thói thông thường thì nay phải theo tập quán quốc tế được thừa nhận rộng rãi.
Nghĩ như vậy, chúng ta sẽ thấy mọi chuyện dường như sáng tỏ hơn. Lấy một thí dụ: thông thường xe gắn máy có động cơ dung tích càng lớn thì càng đắt nhưng ở Việt Nam xe trên 175 phân khối trước đây giá khá rẻ. Đơn giản vì là loại xe bị cấm lưu thông trừ một số trường hợp đặc biệt.
Khi cầu không có thì giá phải rẻ là chuyện đương nhiên. Nay theo cam kết với WTO, Việt Nam sẽ cho nhập và cho đăng ký sử dụng loại xe này thì giá của chúng sẽ trở về giá thật - người định bán quách chiếc xe 250 phân khối cho khỏi chật nhà nay có thể đợi thêm một thời gian nữa và ắt sẽ bán được giá hơn trước.
Tác động của việc gia nhập WTO như thế nào, ảnh hưởng của nó lên hoạt động của doanh nghiệp ra sao, người dân bình thường cần biết gì về WTO... hóa ra dễ hình dung rất nhiều nếu theo cách suy nghĩ như trên khi chúng ta chịu khó xem các nước khác, nhất là những nước láng giềng, làm ăn ra sao, tập quán kinh doanh của họ như thế nào để tự mình phân tích cho trường hợp của mình.
Ở tầng lớp thứ nhất, các cam kết cụ thể sẽ giúp mọi người đo lường tác động trực tiếp lên chính mình. Thí dụ, ngành ngân hàng đang chuẩn bị để đối phó với làn sóng cạnh tranh mới khi các ngân hàng nước ngoài được thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam từ ngày 1-4-2007. Ở tầng lớp tiếp theo, mọi người đang đo lường tác động gián tiếp của các cam kết.
Thí dụ, hiện nay dịch vụ chuyển tiền không chính thức vẫn còn phổ biến nhưng một khi ngân hàng nước ngoài nhảy vào lĩnh vực này, có thể các hộ gia đình làm dịch vụ này phải chuyển sang nghề khác. Hay trước làn sóng các loại hình phân phối từ đại siêu thị đến cửa hàng tiện lợi sắp mở ra ở nước ta, những tiệm tạp hóa ắt phải tìm cách kinh doanh khác vì sẽ khó cạnh tranh nổi.
Tuy nhiên, chính ở đây đặc điểm văn hóa, tâm lý tiêu dùng, đặc điểm xã hội của nước ta là một ẩn số, càng làm việc phân tích khó khăn hơn chỉ đơn giản là theo mô hình đã định hình ở các nước. Đẩy cánh cửa bóng loáng bước vào trụ sở giao dịch của một ngân hàng nước ngoài nằm trong một cao ốc chưa hẳn là yếu tố thu hút mà có khi còn là yếu tố trở ngại đối với người tiêu dùng bình thường ở nước ta.
Nhiều người vẫn thích chuyển tiền theo kênh không chính thức, bất kể chi phí hay độ rủi ro và nhiều người khác vẫn thích chạy xe máy ra đầu ngõ mua các vật dụng linh tinh ở tiệm chạp phô hơn là vào các siêu thị. Doanh nghiệp nước ta thua các doanh nghiệp nước ngoài là chính ở khoản điều tra, nghiên cứu thị trường này - nghiên cứu một cách nghiêm túc chứ không phải làm qua loa.
Một nghiên cứu toàn diện về tác động của WTO lên hoạt động của một doanh nghiệp để từ đó doanh nghiệp này phải xác định lại chiến lược phát triển, kể cả cơ hội mới sẽ mở ra, phải đi từ thế mạnh, thế yếu của bản thân, đặt trong bối cảnh có những thay đổi trong môi trường kinh doanh do tư cách thành viên WTO đem lại, trong đó có cả những khó khăn và thuận lợi mới.
Ai cũng cảm nhận sắp tới vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ sẽ buộc các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp không thể sử dụng phần mềm máy tính bất hợp pháp nữa. Một doanh nghiệp có thế mạnh trong việc nội địa hóa các phần mềm mã nguồn mở sẽ tìm thấy cơ hội bán những phần mềm đóng gói loại này với giá rẻ cho nhiều khách hàng tiềm năng.
Một công ty tư vấn giỏi về mua bán sáp nhập công ty sẽ tìm thấy nhiều khách hàng mới khi sẽ có hàng loạt vụ mua bán sáp nhập trong thời gian tới. Một viện nghiên cứu nông nghiệp có thể hy vọng sẽ nhận được tài trợ từ ngân sách nhà nước để nghiên cứu các giống mới, chẳng hạn, vì loại tài trợ này không bị WTO cấm.
Vì thế, không thể trông chờ một ai khác làm công việc hoạch định chiến lược cho doanh nghiệp mình. Có chăng, doanh nghiệp đang trông đợi Chính phủ đưa ra những phân tích mang tính chiến lược cho từng ngành, từng lĩnh vực, hay chí ít cũng cung cấp những thông tin mang tính thống kê tổng hợp để giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí, giảm bớt sự trùng lắp cho việc nghiên cứu của riêng họ.
Điều đáng mừng là doanh nghiệp từ nay có thêm các vũ khí hiệu quả để đòi hỏi cho sự minh bạch, đối xử công bằng và chấm dứt tệ nạn “doanh nghiệp sân sau” từng làm méo mó môi trường kinh doanh ở nước ta. Doanh nghiệp có thể trông chờ vào tính dự đoán được của các chính sách kinh tế, có thể khiếu nại các công chức cố tình gây nhũng nhiễu, có thể yêu cầu được giải thích nếu việc áp thuế của hải quan là sai quy định...
Nước ta cam kết với WTO, hay đúng ra là cam kết với doanh nghiệp các nước khác những chuyện như thế thì lẽ nào doanh nghiệp trong nước lại không biết tận dụng?