Phát triển vận tải hành khách công cộng tại các thành phố lớn (Tiếp theo và hết) (*)
Tăng cường năng lực thi công, sớm đưa dự án về đích
Những ngày gần đây, đi trên trục đường Láng - Nguyễn Trãi - Trần Phú - Quang Trung (quận Hà Đông, Hà Nội), ngắm nhìn hệ thống đường, nhà ga của tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, người dân không khỏi mong ngóng dự án về đích đúng hẹn, để việc đi lại trên tuyến đường cửa ngõ Thủ đô đỡ vất vả. Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đường sắt Bộ Giao thông vận tải Vũ Hồng Phương cho biết: “Sau nhiều lần “lỗi hẹn”, lần này chủ đầu tư và nhà thầu cùng quyết tâm hoàn thành, đưa công trình vận hành kỹ thuật vào tháng 10, chính thức khai thác vào tháng 12 năm nay”.
Dự án gồm ba hợp phần. Cho đến nay, hạng mục xây dựng đã hoàn thành 96% khối lượng công việc; hạng mục mua sắm và lắp đặt thiết bị đạt 76%; hạng mục đào tạo nhân sự đã cơ bản hoàn thành… Nhà thầu đang thi công lắp đặt hệ thống thang máy, thang cuốn, hệ thống kiểm soát vé, hoàn thiện cảnh quan nhà ga... Tiến độ thi công bảo đảm theo kế hoạch. Nếu tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông (tuyến 2A) đi vào hoạt động, thời gian đi quãng đường dài 13,5 km chỉ hết 26 phút.
Ở tuyến đường cửa ngõ phía tây Thủ đô, dự án tuyến ĐSĐT Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5 km, trong đó có 8,5 km đi trên cao và 4 km đi ngầm, gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực sau thời gian dài thi công cầm chừng. Trưởng Ban Quản lý dự án Đường sắt Hà Nội Nguyễn Cao Minh cho biết, hai năm nay, nhờ chủ đầu tư quyết liệt yêu cầu các nhà thầu, tư vấn rà soát, lập lại chi tiết toàn bộ kế hoạch thi công; huy động bổ sung máy móc, tăng cường nhân lực thi công, đến nay, dự án đã hoàn thành đấu thầu và ký hợp đồng được tám trong tổng số chín gói thầu, thi công tuyến trên cao đạt hơn 82% khối lượng công việc, nếu tính cả phần đi ngầm đạt khoảng 41% khối lượng công việc của dự án.
Toàn bộ khu vực đề-pô và đoạn tuyến trên cao từ Nhổn về Kim Mã đã hoàn thành giải phóng mặt bằng (GPMB). Nhà thầu đang tập trung GPMB bốn ga ngầm, trong đó có nhiều vị trí khó khăn như: Ga Kim Mã (S9) còn 11 hộ chưa di dời; ga Cát Linh (S10) còn tám hộ; ga Văn Miếu (S11) còn 37 hộ và một cơ quan; ga Trần Hưng Đạo (S12) còn 43 hộ dân và hai cơ quan... Phấn đấu hoàn thành công tác này vào quý III-2018, để khai thác đoạn tuyến trên cao từ Nhổn về Cầu Giấy vào cuối năm 2020. Phần ngầm sẽ hoàn thành, khai thác năm 2022.
Tại TP Hồ Chí Minh, tuyến ĐSĐT số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dài gần 20 km - tuyến đầu tiên trong tám tuyến ĐSĐT trên địa bàn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, được khởi công xây dựng vào tháng 8-2012, đến nay đạt hơn 52% tiến độ. Khi hoạt động, tuyến ĐSĐT này có khả năng chuyên chở 186 nghìn hành khách/ngày, giảm bớt áp lực cho hệ thống xe buýt vốn bị hạn chế về khả năng vận chuyển do chưa có làn đường riêng.
Cả ba dự án ĐSĐT nêu trên đều được khởi công từ năm 2011, song đã nhiều lần thay đổi, “khất” tiến độ. Chủ đầu tư các dự án đều đưa ra nguyên nhân do đây là những dự án lớn, có công nghệ phức tạp, lần đầu thi công ở nước ta, cho nên chủ đầu tư, nhà thầu và đơn vị tư vấn đều lúng túng vì thiếu kinh nghiệm quản lý. Hơn nữa, công tác GPMB phức tạp, số hộ dân, công trình ngầm, nổi phải di dời khá nhiều. Tiến độ GPMB chậm trễ, kéo dài cũng góp phần khiến dự án bị đội vốn khá nhiều.
Thí dụ, dự án ĐSĐT số 1 của TP Hồ Chí Minh sau nhiều lần điều chỉnh, tổng mức đầu tư đã tăng từ 17 nghìn tỷ đồng lên hơn 47 nghìn tỷ đồng. Dự án ĐSĐT Nhổn - ga Hà Nội được phê duyệt 18.408 tỷ đồng, đến nay tổng mức đầu tư đội lên 32.000 tỷ đồng. Chưa kể công trường thi công các dự án đều nằm trên đường xuyên tâm các thành phố, mật độ phương tiện giao thông lớn, cho nên việc rào chắn thi công nhiều năm ảnh hưởng lớn đến việc đi lại của người dân và là nguyên nhân gây ùn tắc và mất an toàn giao thông trên tuyến.
Trước áp lực về tình trạng ùn tắc giao thông và tiến độ thi công công trình, thời gian gần đây, lãnh đạo các thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện về nguồn vốn, nhân lực và các nguồn lực cần thiết nhằm thúc đẩy các dự án về đích đúng hạn. Đối với dự án tuyến ĐSĐT Nhổn - ga Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải yêu cầu UBND thành phố Hà Nội làm việc với bộ, ngành, khẩn trương báo cáo Chính phủ các nội dung nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho dự án; chủ động xây dựng chính sách ứng vốn trong trường hợp vốn Trung ương chưa kịp bổ sung, không để công trình chờ vốn. Các quận: Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm tìm giải pháp thúc đẩy tiến độ GPMB các ga, bảo đảm thời hạn như đã cam kết, bởi nếu không GPMB các nhà ga thì rô-bốt không thể thi công đường hầm.
Đối với dự án tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông, khó khăn lớn nhất hiện nay là giải ngân nguồn vốn bổ sung 250,6 triệu USD đang bị chậm. Tổng thầu mới được giải ngân đợt đầu với 7,2 triệu USD do chậm hoàn thành hồ sơ thanh toán. Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã chỉ đạo, những hạng mục liên quan đến thủ tục như kiểm định, thí nghiệm để hoàn thiện hồ sơ thanh toán, Ban Quản lý dự án tạm ứng cho tổng thầu 80% kinh phí để thanh toán phần thiết bị đã đưa về dự án và để tổng thầu có vốn đẩy nhanh tiến độ các hạng mục khác. Những gói thầu, hạng mục đã xong, tổng thầu phải có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ thanh toán, để nhận thanh toán toàn bộ kinh phí. Đối với tuyến ĐSĐT số 1 Bến Thành - Suối Tiên (TP Hồ Chí Minh), trong khi chờ Quốc hội thông qua việc cho điều chỉnh tổng mức đầu tư, thành phố tiếp tục tạm ứng vốn từ ngân sách để giải ngân cho các nhà thầu nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công, đưa dự án về đích đúng hạn vào năm 2020.
Huy động mọi nguồn lực đầu tư đường sắt đô thị
Theo quy hoạch xây dựng chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố sẽ có chín tuyến ĐSĐT với tổng chiều dài 410,8 km, trong đó có 342,2 km cầu cạn và đi trên mặt đất; 68,6 km đi ngầm. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 38,9 tỷ USD. Tại TP Hồ Chí Minh sẽ đầu tư xây dựng tám tuyến ĐSĐT với tổng chiều dài 120 km và ba tuyến đường sắt nhẹ, xe điện mặt đất có tổng chiều dài 56 km, tổng mức đầu tư khoảng 18 tỷ USD.
Do đòi hỏi nguồn vốn lớn, quá trình triển khai các dự án được chia thành lộ trình cụ thể, trong đó giai đoạn trước mắt ưu tiên đầu tư các tuyến trong vùng lõi đô thị, sau đó thực hiện các tuyến vòng tròn kết nối các tuyến trong vùng lõi. Trưởng Ban Quản lý dự án Đường sắt Hà Nội Nguyễn Cao Minh cho biết, từ nay đến năm 2021, ngoài việc hoàn thành, đưa vào sử dụng tuyến 2A (Cát Linh - Hà Đông) và tuyến 3.1 (Nhổn - ga Hà Nội); khởi công tuyến số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi) do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, Hà Nội triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư sáu tuyến, gồm: tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo và đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình; tuyến 3.2 (ga Hà Nội - Hoàng Mai); tuyến 4.1 (Thượng Đình - Hoàng Quốc Việt); tuyến 5 (Văn Cao - vành đai 4); tuyến 6.1 (Phú Diễn - Nội Bài); tuyến số 8.1 (Mai Dịch - vành đai 3 - Lĩnh Nam - Dương Xá).
Từ năm 2021 đến 2025, hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư và triển khai thi công các đoạn tuyến trong khu vực đô thị trung tâm; đồng thời triển khai công tác chuẩn bị đầu tư các tuyến kết nối khu vực trung tâm với năm đô thị vệ tinh. Từ năm 2025 đến 2030, hoàn thành dứt điểm toàn bộ các tuyến ĐSĐT khu vực trung tâm, triển khai thi công và cơ bản hoàn thành các tuyến ĐSĐT kết nối khu vực đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh. Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã có tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến về chủ trương, cơ chế đầu tư ba dự án ĐSĐT gồm tuyến 2 (đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình), tuyến số 5 (Văn Cao - Hòa Lạc-Ba Vì) và tuyến 3.2 (đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai) tổng vốn đầu tư 125.614 tỷ đồng, dự kiến huy động từ các nguồn như: tiết kiệm chi thường xuyên, tăng thu ngân sách của thành phố, nguồn thu từ cổ phần hóa giai đoạn 2016-2020, phát hành trái phiếu và đấu giá quyền sử dụng đất…
Về việc này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo các bộ và các cơ quan liên quan hướng dẫn UBND thành phố Hà Nội thực hiện các quy trình, thủ tục đối với dự án đầu tư xây dựng các tuyến ĐSĐT theo đúng quy định, sớm trình Quốc hội để thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp cuối năm nay.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến cho biết: Để phát huy hiệu quả đầu tư của mạng lưới ĐSĐT, các dự án phải được làm đồng bộ. Xác định phát triển vận tải hành khách công cộng, trong đó ĐSĐT là trọng tâm, cho nên quan điểm chỉ đạo của chính quyền thành phố là “vừa làm, vừa xếp hàng, vừa chạy”. Tuyến nào đang làm thì tích cực đẩy nhanh tiến độ, các tuyến khác phải tranh thủ hoàn tất thủ tục để đầu tư các tuyến đồng bộ. Với tinh thần này, TP Hồ Chí Minh đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư hai dự án ĐSĐT đã kêu gọi được nguồn vốn gồm tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương) và tuyến số 5 (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn). Theo quy hoạch, ba tuyến ĐSĐT này có tổng chiều dài khoảng 41 km với tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 6,5 tỷ USD từ nguồn vốn vay Chính phủ Nhật Bản, Đức, Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Phát triển châu Âu…
Riêng tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương) thành phố đang điều chỉnh tổng mức vốn, dự kiến năm 2018 sẽ đấu thầu và hoàn thành vào năm 2024. Ngoài ra, năm tuyến ĐSĐT còn lại đều đang ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh, mới đây các cơ quan chức năng Hàn Quốc cũng đang xúc tiến tài trợ vốn xây dựng tuyến ĐSĐT số 4B từ công viên Hoàng Văn Thụ đến sân bay Tân Sơn Nhất để nối với tuyến số 5. Thành phố vừa kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chọn đề xuất dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 3A (Bến Thành - Tân Kiên) dài gần 20 km, tổng mức đầu tư gần 2,2 tỷ USD để trình Chính phủ cho sử dụng vốn ODA của Nhật Bản. Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cho biết, để tìm nguồn vốn cho năm dự án ĐSĐT đang chuẩn bị đầu tư, thành phố sẽ tích cực cùng các cơ quan trung ương xem xét tìm nguồn vốn một cách hợp lý trên tinh thần thành phố sẽ bằng nhiều cách để trả nợ, không để Trung ương gặp khó khăn.
Các chuyên gia dự báo, với tốc độ các phương tiện giao thông cá nhân phát triển như hiện nay nhiều nguy cơ đến năm 2020, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng, bởi diện tích chiếm dụng của phương tiện gấp ba lần so với diện tích mặt đường. Riêng khu vực trung tâm thành phố sẽ gấp 4,5 lần. Đến năm 2025 và 2030, các tuyến đường trong khu vực nội đô sẽ bị quá tải 7,5 lần và 10,5 lần. Lúc đó, các phương tiện giao thông sẽ không di chuyển được nữa. Phát triển vận tải hành khách công cộng là đòi hỏi bức thiết tại các đô thị. Nếu mạng lưới ĐSĐT hoàn thành xây dựng theo quy hoạch, kết hợp với hệ thống xe buýt sẽ đáp ứng được từ 50 đến 55% nhu cầu đi lại của người dân tại các thành phố lớn.
Với tính tiện dụng, độ an toàn và thân thiện môi trường cao, chắc chắn các phương thức vận tải này sẽ thu hút nhiều người sử dụng thường xuyên, đồng nghĩa với việc hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, khắc phục cơ bản tình trạng ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, để thực hiện các dự án nêu trên cần nguồn vốn và sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính quyền trong rất nhiều khâu của quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Rất nhiều khó khăn, phức tạp, nhưng nếu như chúng ta không quyết tâm làm, thì bài toán ùn tắc, quá tải giao thông sẽ không bao giờ được khắc phục, không thể thay đổi diện mạo của các thành phố lớn theo hướng văn minh, hiện đại.
* Bài 1: Đổi mới toàn diện xe buýt
-----------------------------
(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 7-6-2018.