Xử lý nghiêm hành vi chống người thi hành công vụ
Trước đó không lâu, ngày 5-2, tổ tuần tra giao thông Công an huyện Ba Tri (Bến Tre) triển khai chốt kiểm tra trên tỉnh lộ 885, tại địa bàn ấp Vĩnh Ðức Trung, xã Vĩnh An để xử lý người tham gia giao thông vi phạm và phát hiện Trần Hữu Luận (26 tuổi, ở xã Vĩnh An) có nồng độ cồn vượt quá quy định và không có giấy phép lái xe, tổ tuần tra đã tiến hành lập biên bản. Tuy nhiên, Luận không chịu ký biên bản và sau đó còn bất ngờ dùng dao bấm đâm vào mạn sườn khiến hai chiến sĩ CSGT phải đi cấp cứu.
Các vụ việc nêu trên là hai trong rất nhiều vụ chống người thi hành công vụ xảy ra trong thời gian qua. Ðáng chú ý, tình trạng này đang có chiều hướng gia tăng, với tính chất, mức độ khác nhau. Hiện tượng chống người thi hành công vụ thường xảy ra trong hoạt động của nhiều ngành, như: Thi hành án, thanh tra, kiểm tra, kiểm lâm…, nhất là hành vi chống đối lực lượng CSGT. Theo báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về tình hình bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2018 thì chỉ trong khoảng thời gian một năm (từ ngày 16-9-2016 đến 15-8-2017), cả nước đã xảy ra 48 vụ chống người thi hành công vụ trong lĩnh vực giao thông, làm hai CSGT đã hy sinh, ba cán bộ khác bị thương; tăng 23 vụ so với cùng kỳ.
Trước thực trạng nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 39/CT-TTg về tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật về chống người thi hành công vụ. Trong chỉ thị cũng nêu rõ: Thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về chống người thi hành công vụ xảy ra rất phức tạp, ở nhiều địa phương, trong hoạt động công vụ của nhiều ngành, nhất là trong hoạt động chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, thi hành án, thanh tra, kiểm lâm, quản lý thị trường, y tế, báo chí...
Các vụ việc chống người thi hành công vụ cho thấy, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này phần lớn là do sự xuống cấp về mặt đạo đức, cũng như ý thức chấp hành pháp luật của một số đối tượng, dẫn đến việc sẵn sàng chống đối lại các lực lượng chức năng. Một bộ phận cán bộ thi hành công vụ còn hạn chế về trình độ, năng lực chuyên môn, dẫn đến không làm đúng quy trình công tác, là nguyên nhân khiến người dân bức xúc, dẫn đến hành vi chống đối. Người thi hành công vụ chưa được đầu tư trang thiết bị kỹ thuật, vũ khí, phương tiện, công cụ hỗ trợ một cách đầy đủ, nhất là cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang, dẫn đến không đủ trấn áp sự phản kháng của tội phạm. Các chế tài về xử lý hành vi chống người thi hành công vụ chưa đủ sức răn đe; chỉ khi hành vi gây nên hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của người thi hành công vụ mới bị xử lý hình sự, còn lại, thường chỉ bị xử lý hành chính.
Trước việc gia tăng tình trạng chống người thi hành công vụ cho thấy, cần nhiều biện pháp mạnh tay hơn nữa để chấm dứt tình trạng này để bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Quan trọng hơn, đây cũng là cách để những người thi hành công vụ có thể yên tâm làm nhiệm vụ, nhất là ở những lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra va chạm và dễ đối mặt với nhiều phần tử xấu, đối tượng nguy hiểm của xã hội như tội phạm buôn lậu, ma túy…
Để ngăn chặn tình trạng này, trước hết các cơ quan liên quan cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, để người dân nhận thức đầy đủ, rõ ràng về các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là các hành vi chống người thi hành công vụ. Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra để kịp thời phát hiện các sai phạm, thiếu sót, đồng thời bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn của người thi hành công vụ. Trang bị thiết bị kỹ thuật, vũ khí, phương tiện, công cụ hỗ trợ cho lực lượng thi hành công vụ đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng, bảo đảm ngăn chặn kịp thời các hành vi chống đối cũng như bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho lực lượng thi hành công vụ. Các cơ quan ban hành luật cần nghiên cứu, tăng nặng chế tài xử lý đối với hành vi chống người thi hành công vụ, bảo đảm thể hiện sự răn đe và tính nghiêm minh của pháp luật.